Nhân nhượng trong xét đoán

Chị thường nói với tôi là người ta luôn phải xét đoán tha nhân với tinh thần bác ái, vì rất nhiều trường hợp, cái đối với chúng ta là không đáng kể thì đối với Chúa lại là việc anh hùng.

Một người mệt mỏi nhức đầu, tâm can bị phiền muộn giày dò chỉ làm xong có nửa bổn phận thôi thì cũng làm nhiều hơn người khoẻ cả tâm trí lẫn thân xác tuy người này đã làm trọn tất cả. Ta cần phải quảng đại với người khác trong mọi xét đoán. Luôn phải nghĩ tốt về tha nhân và tha thứ cho họ, ngay cả khi không có điều chi đáng ca ngợi cả ta vẫn còn lý do để tự nhủ rằng: “Con người ấy bề ngoài có vẻ lầm lẫn, nhưng họ không nhận ra điều đó và nếu tôi có được một sự xét đoán chính xác hơn họ, thì đây chính là lý do để tôi thương xót họ hơn, và tôi cần phải khiêm tốn vì đã khắt khe với họ”.

Chị cũng giúp tôi nhận ra rằng thường Chúa để ta mắc phải chính những yếu đuối mà ta khó chịu khi thấy người khác mắc phải, như lãng quên, biếng trễ, không chú ý, mệt nhọc… Đó chính là lúc tự nhiên nhất để ta tha thứ những lỗi lầm kẻ khác rơi vào, vì chính ta cũng rơi vào như họ.

Được chỉ dạy với chứng cớ cụ thể, rõ ràng, cộng thêm kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy các chị em mà tôi cho rằng họ khuyết điểm nhiều, thực ra không phải thế. Rất có thể vì một lý do nào đó, như vì vâng lời chẳng hạn, đã ngăn cản họ làm việc này việc nọ, đối xử thế này thế khác. Vì thế họ phải âm thầm chịu sỉ nhục như vậy.

Bài học rút ra từ những quả lê bề ngoài xấu xí

Khi cùng Chị đi bách bộ trong vườn lúc giờ chơi, Chị chỉ một cây ăn trái và bảo tôi:

“Chị hãy nhìn những quả lê này bề ngoài thật xấu xí, chúng là hình ảnh những chị em mà chúng ta không mấy hài lòng đó. Mùa thu tới, người ta ngắt những quả đó biếu chị… Bó vỏ ăn thử xem, chị sẽ thấy thích thú ghê lắm, không ngờ rằng đây chính là quả trước kia chị đã coi thường. Cũng thế, ngày sau hết chị sẽ ngạc nhiên thấy các chị em khi đã được lột bỏ tất cả khuyết điểm, sẽ là những vị đại thánh”.

 

Cầu nguyện cho các Linh mục

Điều lôi cuốn Chị xin tu dòng Kín chính là Chị muốn hy sinh cầu nguyện cho Giáo Hội, cho các linh mục… Chị muốn rằng cuộc sống phải được dâng hiến trọn vẹn để thánh hoá các thừa tác viên của Chúa. Chị bảo “cầu nguyện cho các linh mục là ‘cuộc kinh doanh’ lớn, vì lời kinh sẽ từ đầu não chuyển xuống các chi thể”.

Ước mong các linh mục thánh thiện và do đó các tội nhân được ơn hoán cải chính là nguyên động lực đời sống Chị. Ở Nhà tập, Chị dạy chúng tôi một kinh khá dài cầu cho các linh mục mà Chị không nhớ ai là tác giả83. Hầu như tất cả các thư từ Chị viết cho tôi khi tôi còn ở ngoài đời đều quy về mục đích này: Cầu nguyện cho các linh mục, và đó là mục đích chung của hai chúng tôi 84.

 

Nhiệt Tâm Đối Với Các Linh Hồn

Tháng Sáu 1896 tôi chụp hình Chị để gởi cho Mẹ Bề trên (Mẹ Marie de Gonzague) nhân dịp mừng lễ Mẹ ngày 21 tháng 6. Chị muốn được chụp lúc đang cầm cuộn giấy có viết những lời sau đây của Mẹ Thánh Têrêsa chúng tôi: “Con muốn dâng hiến ngàn cuộc sống để cứu rỗi một linh hồn cũng được”85.

Ngày hành hương sang Rôma, Têrêsa mới có 14 tuổi. Trong lúc đọc cuốn Biên niên sử của các Nữ tu Truyền giáo, Chị ngừng lại bảo tôi: “Em không muốn đọc nữa chị ạ! Em đã nuôi sẵn ước vọng mãnh liệt trở nên nhà truyền giáo. Chịu sao nỗi nếu em còn cứ tăng thêm ước vọng đó mãi bằng những tấm gương tông đồ này? Nhất định em sẽ là một nữ tu Kín”.

Rồi Chị cắt nghĩa cho tôi tại sao Chị lại quyết định như thế: “Chính là để được chịu nhiều đau khổ hơn trong cuộc sống đồng điệu, khắc khổ và nhờ thế cứu được nhiều linh hồn hơn”.

Trong cuốn Tiểu sử đời Chị, Chị đã kể mình phải kiên nhẫn trong lời cầu nguyện để cầu cho Pranzini tên sát nhân xấu số. Chị thú nhận là rất xúc động khi thấy Chúa nhận lời Chị xin, vì người tử tội đã thình lình ăn năn trở lại trước khi lên đoạn đầu đài.

Với dáng ngại ngùng, Chị đưa cho tôi số tiền nhỏ để xin lễ cho người tử tội. Vì tính nhút nhát, nên Chị không dám đưa tiền tận tay cho Cha Giải tội.
Chị cũng chẳng nói cho tôi biết ý xin lễ nữa. Nhưng tôi đã đoán đúng và Chị cảm thấy thật an ủi. Từ đó Chị chia sẻ cho tôi biết những băn khoăn lo lắng cũng như những ước vọng của Chị.

Lòng nhiệt thành cứu rỗi các linh hồn xâu xé tâm hồn Chị ngay từ hồi niên thiếu. Khi Chị thấy ảnh Chúa chịu nạn có bàn tay đẫm máu, và ảnh này đã mạc khải cho Chị biết về ơn kêu gọi được đồng cứu chuộc với Chúa Cứu Thế.

Sống trong Nhà Kín, lòng nhiệt thành đó không ngừng phát triển và Chị luôn bộc lộ ra mỗi khi có dịp. Tôi đã thấy Chị âm thầm giấu ảnh thánh

Bênêdictô vào chiếc áo làm việc của bác thợ mộc, nhân lúc bác đi về và sẽ trở lại Nhà Dòng trong ngày. Chị làm như vậy vì bác thợ này khô khan, sống xa Chúa.

Trong lúc phải đau khổ vì bệnh lao dày vò, và chúng tôi phải sa nước mắt cầu nguyện cho Chị, thì Chị lại nói với chúng tôi: “Em cầu xin Chúa nhân lành thương xót để tất cả kinh nguyện các chị cầu cho em đừng làm nhẹ bớt đau khổ của riêng em, nhưng là để cứu rỗi các linh hồn”.

Tôi còn nghe thấy Chị quả quyết:

“Không, không bao giờ em tin rằng người ta có thể chịu được đau khổ đến thế… Không, không bao giờ! Em chỉ có thể cắt nghĩa điều này bằng những ước vọng mãnh liệt em ôm ấp là để cứu rỗi các linh hồn”.

Đây là một trong những lời cuối cùng đời Chị.

 

Sau khi qua đời

Nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Chị hứa “làm mưa hoa hồng” và biểu lộ ước vọng cùng sự bảo đảm làm nhiều điều lành sau khi chết, bằng cách cầu cho Giáo Hội, bằng cách tiếp tục sứ mệnh đặc biệt làm tông đồ bên cạnh các linh mục. Nhất là tôi đã nghe Chị cắt nghĩa, đã thấy Chị viết đâu là ích lợi của việc này, và Chị sẽ dùng phương thế nào để kêu gọi các linh hồn trở về với Chúa bằng cách dạy dỗ họ con đường tin tưởng phó thác hoàn toàn. Để trả lời một trong số những điều Chị suy nghĩ, tôi bảo Chị:

- Vậy Chị tin rằng Chị sẽ cứu được nhiều linh hồn khi lên trời sao?

- Vâng em tin như thế, bằng chứng là Chúa nhân lành để em chết giữa lúc em đang ước muốn cứu được thật nhiều linh hồn.

 

 

 

74 Giáo Hội đã áp dụng đoạn văn Isaia này cho Thánh Nữ trong kinh Nhật Tụng: đây là Ca Tiền khúc của Thánh Vịnh Benedictus.

75 Chị Saint-Stanislas qua đời ngày 23.5.1914, hưởng thọ 89 tuổi.

76 Thời giờ tự do và nghỉ ngơi từ sau Kinh Tối đến Kinh Mai.

77 Đây là chiếc đèn dành cho một số người đời, bà con của một chị trong Dòng. Những người này được đặc biệt nhận vào sống ở một nơi thuộc vòng ngoài của tu viện.

78 Châm Ngôn 16,32

79 Mt 25,36

80 Lc 13,37

 

81 Mt 5,44; Lc 6,27

82 Gương Phúc I ch. 5,7

83 Của một tâm hồn thánh thiện, là Thérèse Durnerin.

84 Chị Geneviève không muốn bàn hơn nữa về bổn phận cầu nguyện cho các linh mục, tuy là đề tài chị còn giữ được rất nhiều kỷ niệm. Chị Thánh diễn tả tất cả tư tưởng mình về điểm này trong những Thư tử gởi cho “Céline”. Như “Céline” đã nói trước đây, các Thư từ này đã được công bố.

85 Lâu đài nội tâm (Château intérieur), tầng thứ 6, Ch. VI; Vie, T.I,. Ch. XXXII, p. 115; Fondations, t. I, Ch. 1,

p. 22 (édition R. P. Grégoire).